Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (Nov 2014)
ẢNH HƯỞNG DÀI HẠN CỦA PHÂN HỮU CƠ TRONG CẢI THIỆN ĐỘ PHÌ NHIÊU ĐẤT VÀ NĂNG SUẤT TRÁI CHÔM CHÔM (NEPHELIUM LAPPACEUM L.) TẠI CHỢ LÁCH - BẾN TRE
Abstract
Sử dụng phân bón vô cơ với lượng cao, không cân đối đưa đến sự suy giảm về mặt hóa lý, sinh học đất liếp vườn cây ăn trái. Mục tiêu của đề tài nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả dài hạn của các dạng phân hữu cơ trong cải thiện đặc tính đất liếp vườn và năng suất trái chôm chôm. Thí nghiệm được thực hiện qua 6 vụ canh tác với 3 loại phân hữu cơ gồm bã bùn mía, cặn hầm ủ biogas, phân trùn quế với lượng 18 kg.cây-1 kết hợp với lượng phân vô cơ theo khuyến cáo so với lượng phân bón vô cơ như nông dân. Kết quả phân tích đất sau 6 vụ bón phân hữu cơ cho thấy pH đất, chất hữu cơ, đạm (N) hữu dụng, lân (P) hữu dụng, kali (K) trao đổi, canxi (Ca) trao đổi, phần trăm baze bão hòa trong đất, độ bền cấu trúc đất, hô hấp đất được cải thiện tốt, khác biệt có ý nghĩa (P < 0,05) so với nghiệm thức đối chứng. Sau 6 vụ bón phân hữu cơ kết hợp bã bùn mía, cặn hầm ủ biogas và phân trùn quế, năng suất trái tăng 60 ? 136% so với nghiệm thức chỉ sử dụng phân vô cơ như nông dân. Trọng lượng trái, số trái.kg-1 được cải thiện hiệu quả nhất ở nghiệm thức bón phân bã bùn mía và cặn hầm ủ biogas. Kết quả nghiên cứu cần thiết được khuyến cáo giảm phân vô cơ, bón phân hữu cơ nhằm giúp tăng cường độ phì nhiêu đất liếp vườn chôm chôm và tăng thu nhập cho nông dân.