Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (May 2010)
SO SÁNH HIỆU QUẢ KINH TẾ CỦA 2 MÔ HÌNH CANH TÁC NÔNG NGHIỆP TẠI HUYỆN GÒ QUAO, KIÊN GIANG
Abstract
Huyện Gò Quao tỉnh Kiên Giang là vùng sản xuất 2 vụ lúa/năm. Trong thời gian gần đây người dân sử dụng nước lợ trong mùa khô để nuôi tôm sú sau vụ Đông Xuân. Hoạt động sản xuất này đã hình thành mô hình sản xuất mới, mô hình lúa tôm, được nhiều nông dân trong vùng áp dụng. Nghiên cứu này nhằm áp dụng các phương pháp phân tích kinh tế để so sánh hiệu quả sản xuất của mô hình cổ điển với mô hình mới. Kết qủa cho thấy cơ cấu chi phí của sản xuất lúa phần lớn tập trung vào phân bón và thu hoạch, do đó nếu nhà nước áp dụng các chính sách kềm chế giá phân bón thì sẽ giúp người nông dân cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, nếu cơ giới hóa khâu thu hoạch cũng làm giảm đáng kể chi phí sản xuất. Nuôi tôm sú chi phí thức ăn chiếm tỉ lệ cao nhất (60%). So sánh hiệu quả kinh tế của hai mô hình cho thấy mô hình 2 vụ lúa mặc dù cho tỉ suất lợi nhuận (1,87 đồng lợi nhuận/đồng vốn) thấp hơn mô hình lúa tôm (2,29), nhưng chi phí sản xuất thấp hơn, và cần ít lao động gia đình (90 ngày) hơn, do đó phù hợp cho các hộ nông dân ít vốn và ít nhân lực hoặc các hộ có điều kiện làm các nghề phi nông nghiệp. Nếu có đủ vốn đầu tư thì áp dụng mô hình lúa-tôm sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn mô hình 2 vụ lúa. Hiệu quả sử dụng đồng vốn của mô hình này (BCR=2,29) cao gấp 1,5 lần so với mô hình 2 vụ lúa. Đây là mô hình sản xuất sử dụng nhiều lao động nên phù hợp cho các gia đình đông con và có thời gian nhàn rỗi trong mùa khô.