Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (Aug 2018)
Ảnh hưởng của luân canh lúa-dưa hấu đến độ hữu dụng của đạm, lân trong đất và năng suất lúa trên nền đất phèn tại tỉnh Hậu Giang
Abstract
Luân canh cây màu trên nền đất lúa được xem là phương pháp canh tác thay thế cho mô hình chuyên canh lúa kém bền vững trong tương lai. Đề tài được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của mô hình luân canh lúa-dưa hấu đến khả năng cải thiện hàm lượng đạm (N) hữu dụng, lân (P) hữu dụng và năng suất lúa vụ tiếp theo trên nền đất phèn tiềm tàng canh tác lúa tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Thí nghiệm được bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 02 nghiệm thức và ba lần lặp lại, bao gồm: nghiệm thức luân canh lúa-dưa hấu và nghiệm thức canh tác lúa 2 vụ (đối chứng). Kết quả cho thấy hàm lượng N hữu dụng trong đất ở nghiệm thức luân canh lúa-dưa hấu đạt 111,7 mg N/kg, cao khác biệt ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức chuyên canh lúa (28,7 mg N/kg). Không có sự khác biệt ý nghĩa thống kê giữa P hữu dụng trong đất ở nghiệm thức luân canh lúa-dưa hấu so với nghiệm thức chuyên canh lúa (P > 0,05). Năng suất lúa vụ tiếp theo tại ô thí nghiệm đã thực hiện luân canh lúa-dưa hấu (5,10 tấn/ha), khác biệt không ý nghĩa thống kê so với mô hình chuyên canh lúa (4,80 tấn/ha). Lợi nhuận của mô hình canh tác dưa hấu (40,983 triệu đồng) cao hơn gấp 3 lần so với mô hình chuyên canh lúa (13,476 triệu đồng). Mô hình luân canh lúa-dưa hấu có thể được áp dụng trên vùng đất phèn tiềm tàng để thay thế cho mô hình chuyên canh lúa, giúp nâng cao hàm lượng đạm hữu dụng trong đất, tăng thu nhập cho người dân và thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn trong canh tác lúa.
Keywords