Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (May 2010)
TÁC ĐỘNG KINH TẾ XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA HỆ THỐNG CANH TÁC LÚA-TÔM: TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH ĐA TÁC NHÂN Ở TỈNH BẠC LIÊU
Abstract
Mâu thuẫn về nhu cầu nước, nghèo đói tiềm tàng kết hợp với phân hóa kinh tế, mặn hóa là 3 tác động do canh tác lúa-tôm gây ra tại tỉnh duyên hải Bạc Liêu thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Việt Nam. Phương pháp mới tạm dịch là Mô hình đa tác nhân được sử dụng để lượng hóa 3 tác động nói trên. Lần lượt hai kỳ trò chơi phân vai và Mô hình Lúa-Tôm trên cơ sở tác nhân (RiceShrimpMD ABM ? Agent-Based Model) trong phương pháp mô hình đa tác nhân đã được thực hiện giữa nhà nghiên cứu và các nhóm người liên quan trong các năm 2006-2009. Các bài học rút ra từ trò chơi phân vai và 5 năm trong mô phỏng đã cho thấy rằng: mâu thuẫn về nhu cầu nước xảy ra khi cả lúa và tôm đều được canh tác sau tháng 9 vốn là thời điểm thích hợp khuyến cáo cho sản xuất lúa. ở vùng hạ lưu nơi gần nguồn nước mặn, mâu thuẫn tiềm tàng nhiều hơn trong tình huống nước mặn cao hơn 5 phần ngàn được cung cấp vào tháng 12 trong khi người sản xuất không lưu tâm đến điều kiện môi trường. Nghèo đói tiềm tàng và phân hóa kinh tế xảy ra khi lúa ít được quan tâm canh tác trong hệ thống lúa-tôm, đặc biệt ở vùng hạ lưu; tác động mặn hóa kết hợp với hạn hán được đo lường thông qua năng suất lúa và cho thấy rằng năng suất lúa có giảm đi so với điều kiện bình thường. Tuy nhiên, sản lượng lúa giảm sút do mặn và hạn hán có thể được tránh khỏi khi lúa trong hệ thống lúa-tôm được canh tác hàng năm. Lúa trong hệ thống canh tác lúa-tôm là một nguồn thu nhập làm giảm mức độ rủi ro và phân hóa kinh tế tiềm tàng. Nghiên cứu này nhận thấy rằng, phương pháp mô hình đa tác nhân là một kỹ thuật mới thích hợp cho các nhóm người liên quan có cơ hội chia sẻ kiến thức, quan điểm và hợp tác trong quản lý điều hành cung cấp nước cho sản xuất bền vững.