Tạp chí Quản lý và Kinh tế Quốc tế (Jul 2022)
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM TRONG QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VỚI CÁC QUỐC GIA TRONG KHỐI AEC
Abstract
Bài viết nghiên cứu mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế Việt Nam và thương mại với các quốc gia trong khối AEC trong giai đoạn từ 2001-2017. Kiểm định Unit Root được sử dụng để kiểm tra tính dừng của các biến nghiên cứu; Kiểm định đồng liên kết co-integration được sử dụng để kiểm tra mối quan hệ dài hạn của các biến. Kiểm định nhân quả Granger được sử dụng để kiểm tra mối quan hệ ngắn hạn. Kết quả nghiên cứu cho thấy không tìm ra mối quan hệ dài hạn giữa tăng trưởng của Việt Nam và thương mại với các quốc gia trong khối AEC. Đây là cơ sở để tìm ra các mối quan hệ ngắn hạn. Các quan hệ ngắn hạn có ý nghĩa thống kê bao gồm: thứ nhất, khi tăng trưởng GDP của Việt Nam được cải thiện, Việt Nam có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn từ Brunei và Thái Lan; thứ hai, khi tăng trưởng GDP của Việt Nam được cải thiện, Việt Nam có xu hướng xuất khẩu nhiều hơn sang Campuchia và Singapore; thứ ba, trong ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam nên chú trọng nhập khẩu từ Campuchia và Phillipines và chú trọng xuất khẩu sang thị trường các nước Brunei, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan. Thông qua nghiên cứu này, kết quả nghiên cứu sẽ bổ sung bằng chứng thực nghiệm từ các quốc gia đang phát triển về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế Việt Nam và thương mại quốc tế trong liên kết khu vực (với các quốc gia AEC). Kết quả nghiên cứu này có thể sẽ giúp ích cho các nhà làm chính sách vĩ mô, các doanh nghiệp ở Việt Nam trong việc định hướng và đưa ra các giải pháp tăng cường xuất nhập khẩu với các quốc gia trong khối AEC.