Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (Oct 2014)
SỰ PHÁT TRIỂN ỐNG TIÊU HÓA CÁ RÔ BIỂN (PRISTOLEPIS FASCIATA) GIAI ĐOẠN CÁ BỘT ĐẾN CÁ HƯƠNG
Abstract
Sự phát triển ống tiêu hóa của cá rô biển được quan sát bằng hình thái bên ngoài và bằng phương pháp mô học từ cá mới nở đến ngày tuổi thứ 30. Đối với quan sát hình thái ống tiêu hóa, mỗi ngày thu 10 cá thể quan sát sự biến đổi hình thái ống tiêu hóa trực tiếp dưới kính hiển vi. Sử dụng phương pháp mô học đánh giá biến đổi của noãn hoàng và cấu trúc ống tiêu hóa giai đoạn cá bột. Tổng số 30 mẫu cá được thu vào ngày thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 15, 20, 25, 30 sau khi nở đem cố định, đúc khối và nhuộm bằng dung dịch Haematoxylin và Eosin (HE). Kết quả quan sát cho thấy cá bột bắt đầu ăn thức ăn ngoài từ ngày thứ 3. Sau khi ăn thức ăn ngoài ống tiêu hóa có thể phân biệt rõ 4 phần bao gồm khoang miệng, thực quản, dạ dày và ruột. ở thời điểm này, ống tiêu hóa của cá bắt đầu hoạt động tuy nhiên dạ dày chưa phát triển hoàn chỉnh. Dấu hiệu đầu tiên của việc hấp thu thức ăn được xác định bởi sự xuất hiện của thể vùi protein, không bào lipid ở phần ruột sau vào ngày thứ 9. Kết thúc giai đoạn cá bột là sự xuất hiện của các tuyến dạ dày vào ngày tuổi thứ 20, điều này chứng tỏ hệ tiêu hóa của cá đã hoàn chỉnh.Sự phát triển các bộ phận khác của tuyến tiêu hóa cá rô biển cũng được mô tả trong nghiên cứu này.