Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (May 2010)
ẢNH HƯỞNG CỦA BIỆN PHÁP RÚT NƯỚC TRÊN ĐẤT PHÈN NGẬP NƯỚC CÓ CHÔN VÙI RƠM RẠ TƯƠI ĐẾN NĂNG SUẤT LÚA TRONG CHẬU
Abstract
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định năng suất lúa trồng trên đất phèn (Sulfic Humaquepts Tiền Giang) có chôn vùi rơm rạ tươi qua nhiều phương pháp rút nước. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức thừa số 2 nhân tố trong khối hoàn toàn ngẫu nhiên, với 4 lần lặp lại; nhân tố 1 là 3 phương pháp rút nước ((i) ngập nước liên tục, (ii) rút kiệt nước lúc 15 ngày sau khi gieo trong 5 ngày và (iii) rút kiệt nước lúc 30 ngày sau khi gieo trong 5 ngày); và nhân tố 2 là trọng lượng rơm rạ tươi ((i) 0,0; (ii) 1,25; (iii) 2,5 và (iv) 5 g/chậu 4 kg đất khô). Kết quả cho thấy rằng các phương pháp rút kiệt nước lúc 15 hoặc 30 ngày sau khi gieo đã làm gia tăng sự sinh trưởng của lúa Jasmine85 như chiều cao cây, số chồi/chậu, số bông/chậu, số hạt chắc/bông và năng suất lúa (28,96 g và 29,16 g/chậu) so với đất ngập nước liên tục (23,81 g/chậu), gia tăng năng suất trung bình 22,5%. Chôn vùi rơm rạ tươi vào đất 1,25 g, 2,5 g và 5 g/chậu đã làm giảm chiều cao cây, số chồi, số bông, số hạt chắc và năng suất lúa (năng suất giảm lần lượt 15, 25 và 34% so với đất không vùi rơm rạ). Rút kiệt nước trong đất lúa đã làm giảm nhanh các độc chất acid hữu cơ tổng số (thấp hơn 1000 mmolc/m3) và H2S (thấp hơn 0,07 ppm), nhưng pH và nồng độ NH4+ trong dung dịch đất gia tăng nên đã góp phần cải thiện được sự sinh trưởng và năng suất lúa.