Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (Jun 2015)

Ảnh hưởng môi trường của ba mô hình canh tác lúa cánh đồng mẫu lớn, GAP và truyền thống ở Đồng bằng sông Cửu Long

  • Lê Thanh Phong,
  • Hà Minh Tâm

Journal volume & issue
no. 38

Abstract

Read online

Nghiên cứu “Ảnh hưởng môi trường của ba mô hình canh tác lúa cánh đồng mẫu lớn (CĐML), GAP và truyền thống ở Đồng bằng sông Cửu Long” có mục đích tìm hiểu ảnh hưởng của kỹ thuật canh tác lúa đến tác động ấm lên toàn cầu, chua hóa và phú dưỡng hóa. Phương pháp đánh giá vòng đời (LCA) được sử dụng để đánh giá tác động môi trường. Kết quả cho thấy, mô hình truyền thống (TT) sử dụng lượng giống gieo sạ cao hơn mô hình CĐML và GAP. Lượng phân bón được sử dụng trong 3 mô hình là khá phù hợp với khuyến cáo thông thường. Lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng khá cao. Năng suất lúa của mô hình CĐML và GAP tương đối cao hơn mô hình TT. Mô hình GAP đạt lợi nhuận cao nhất. Tác động môi trường của mô hình GAP (1.009,13 g CO2-tương đương, 3,61 g SO2-tương đương, 25,81 g NO3-tương đương) và CĐML (1.008,56 g CO2-tương đương, 4,45 g SO2-tương đương, 26,26 g NO3-tương đương) trong sản xuất 1 kg gạo thấp hơn mô hình TT. Về ấm lên toàn cầu, tác động do phát thải CH4 từ đất lúa (75,3-77,5%) và phân N (12,1-16,1%) là chủ yếu. Về chua hóa, phát thải của phân N là tác động chủ yếu (90,6-92,5%). Về phú dưỡng hóa, trực di dinh dưỡng từ đất (66,2-72,0%) và phân N (26,2-32,4%) gây tác động quan trọng nhất.

Keywords