Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (Jun 2016)
Nghiên cứu bào chế niosome metformin
Abstract
Metformin là thuốc trị đái tháo đường (ĐTĐ) sử dụng điều trị bước đầu dành cho bệnh nhân ĐTĐ type 2 theo phác đồ điều trị của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA). Tuy nhiên, thuốc thường hấp thu nhanh chóng, thời gian bán thải ngắn. Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm góp phần tìm kiếm dạng thuốc mới cho metformin, giúp kéo dài thời gian tồn tại của thuốc trong huyết tương, tăng hiệu quả điều trị và mang lại hiệu quả kinh tế thông qua việc kết hợp metformin vào niosome. Các chất hoạt động bề mặt (HĐBM) không ion khác nhau (tween 80, span 80, span 60) và cholesterol (1:1, mol/mol) được sử dụng để tạo niosome bằng phương pháp hydrat hóa film mỏng. Tiến hành khảo sát ảnh hưởng của những loại chất hoạt động bề mặt khác nhau, thời gian siêu âm, phương pháp đưa metformin vào niosome đến kích thước tiểu phân (hạt) và hiệu suất niosome hóa. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi siêu âm hệ trong 30 phút cho kích thước hạt nhỏ hơn, hiệu quả đưa dược chất vào hệ tốt hơn khi siêu âm 15 phút. Đối với hai phương pháp đưa metformin vào niosome thì phương pháp chủ động tạo ra các hạt có kích thước lớn hơn và hiệu suất niosome hóa tốt hơn phương pháp thụ động. Kích thước trung bình các tiểu phân thay đổi từ 0,6 µm (span 60) đến 9,8 µm (tween 80+span 60), hiệu suất niosome hóa cao nhất với phương pháp thụ động là 19,9% (tween 80) và với phương pháp chủ động là 36,3% (tween 80+span 80). Hầu hết các công thức tạo ra đều giữ trạng thái nhũ ổn định hơn 30 ngày bảo quản.
Keywords