Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (Apr 2019)
Đặc điểm hình thái và di truyền cây tầm vông (Thyrsostachys siamensis Gamble)
Abstract
Mục tiêu của nghiên cứu là khảo sát đặc điểm sinh thái của tầm vông ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, đồng thời phân tích đặc điểm hình thái và di truyền của tầm vông. Kết quả cho thấy tổng diện tích vườn trong xã từ điều tra thực tế (bao gồm tầm vông, nhiều loài cây ăn quả lâu năm, cây tạp và cây trồng lấy gỗ khác) là 91,78 hecta, trong đó tầm vông có diện tích rất lớn 61,85 hecta, chiếm 67,39%. Qua kết quả phân tích đất cho thấy dinh dưỡng đất trồng tầm vông rất nghèo nàn. Về đặc điểm hình thái, đa số tầm vông Lương Phi được trồng rất lâu năm (trên 15 năm) nên thường có hiện tượng nâng búi. Các lóng tầm vông có vách dày hơn lóng thân của các loại tre khác. Dưới mỗi mắt lóng đều có một vòng trắng rất dễ nhận thấy (nhất là ở cây 1 mùa). Đường kính trung bình của lóng ở gốc, giữa, ngọn lần lượt là 4,3cm, 3,5cm, 1,5cm. Để khảo sát đặc điểm di truyền của tầm vong, trình tự ITS (internal transcribed sequences) của tầm vong và 3 mẫu tre khác được giải. Các trình tự được kiểm tra chất lượng nucleotit bằng phần mềm BioEdit 7.0, sau đó các trình tự được so sánh, sắp xếp bằng chương trình ClustalW. Cuối cùng, cây phát sinh loài được vẽ bằng phần mềm Mega X sử dụng kiểm định bootstrap 1.000 lần với thuật toán Maximum Likelihood. Kết quả cho thấy tầm vông có mối quan hệ gần với tre mạnh tông hơn các loại tre khác.
Keywords