Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (Oct 2016)
Tình trạng nhiễm sán lá gan lớn trên bò tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và thử hiệu quả tẩy trừ
Abstract
Qua kiểm tra 2768 mẫu phân bò, mổ khám 773 con bò tại 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, và Sóc Trăng thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và tiến hành thử nghiệm với thuốc albendazole để tẩy trừ 30 bò nhiễm Fasciola sp. ở cường độ nhiễm từ 2+ trở lên. Kết quả cho thấy: tình hình nhiễm sán lá gan qua kiểm tra phân tại ĐBSCL chiếm tỷ lệ nhiễm 15,35%. Trong đó, bò ở tỉnh Bến Tre có tỷ lệ nhiễm sán lá gan 15,97% cao nhất, kế đến là bò nuôi ở tỉnh Trà Vinh (15,78%) và nhiễm thấp nhất là ở tỉnh Sóc Trăng (14,33%). Bò địa phương có tỷ lệ nhiễm 16,28% cao hơn tỷ lệ nhiễm của bò lai Sind 15,73% và nhiễm thấp nhất ở bò sữa 7,07%. Bò nhiễm sán lá gan có khuynh hướng tăng dần theo lứa tuổi. Phương thức nuôi có ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ nhiễm với 19,18% ở hình thức nuôi bán chăn thả và 8,86% đối với nuôi nhốt. Qua mổ khám, thu thập và định danh phân loài các mẫu sán lá gan lớn đang lưu hành và gây hại trên bò ở các tỉnh ĐBSCL là loài sán lá gan Fasciola gigantica với tỷ lệ nhiễm chung là 17,21%, trong đó bò tỉnh Bến Tre nhiễm 17,78% cao nhất, kế đến là bò ở tỉnh Trà Vinh (17,51%) và nhiễm thấp nhất ở bò tỉnh Sóc Trăng (16,26%). Kết quả này trùng hợp với kết quả kiểm tra phân trên địa bàn 3 tỉnh. Thuốc albendazole liều 15mg/kg thể trọng cho uống một lần duy nhất cho hiệu quả tẩy sạch sán lá gan 100% sau thời gian 10 ngày sử dụng thuốc. Thuốc an toàn và không gây phản ứng phụ trong điều trị.
Keywords