Tạp chí Quản lý và Kinh tế Quốc tế (Aug 2021)
PHÂN TÍCH TÍNH BỀN VỮNG CỦA NỢ CÔNG TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ HÀM Ý CHÍNH SÁCH
Abstract
Nợ công bền vững luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của các chính phủ trên thế giới vì điều này tạo dựng môi trường vĩ mô thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên mỗi khi các cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra lại khiến cho nợ công nhanh chóng mất đi sự bền vững và rơi vào rủi ro khi các chính phủ phải thực hiện các gói kích thích kinh tế khổng lồ. Hiện nay, cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 cũng đang tạo ra các khoản thâm hụt ngân sách rất lớn cho các chính phủ. Bài viết sử dụng phương pháp chỉ số để đánh giá mức độ bền vững của nợ công ở Việt Nam và một số nước đối sánh với số liệu cập nhật đến năm 2020 trong bối cảnh mới. Kết quả cho thấy tất cả các quốc gia trong nghiên cứu này đều chứng kiến sự suy giảm của mức độ bền vững nợ công vào các thời kỳ có các cú sốc trong giai đoạn 2000-2020 thể hiện qua chỉ số tổng thể về nợ công bền vững giảm đặc biệt là năm 2020 và quốc gia có tình hình dịch COVID-19 càng nghiêm trọng thì sự suy giảm càng lớn. Do đó, củng cố tài khóa và nâng cao mức độ bền vững của nợ công trong điều kiện bình thường mới để tạo một không gian chính sách đủ lớn là rất cần thiết đối với chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam. Việc xây dựng chỉ số liên quan đến mức độ bền vững nợ công của một quốc gia cũng mở ra các hướng nghiên cứu định lượng liên quan đến chủ đề này trong tương lai.