Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (Jun 2016)

Ảnh hưởng của bón giảm lượng phân lân đến lân dễ tiêu trong đất và năng suất lúa trên vùng đất trồng lúa ba vụ tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu

  • Vũ Văn Long,
  • Nguyễn Văn Quí,
  • Châu Minh Khôi,
  • Nguyễn Minh Đông

DOI
https://doi.org/10.22144/ctu.jvn.2016.052
Journal volume & issue
no. 43

Abstract

Read online

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân thường cung cấp phân lân (P) cho đất trồng lúa vượt quá lượng P lấy đi từ đất. Qua nhiều năm, lượng P cung cấp thừa có thể đưa đến sự tích lũy P cao, đặc biệt trong đất trồng lúa 3 vụ. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích đánh giá sự thay đổi về khả năng cố định P của đất, lượng P dễ tiêu trong đất, hàm lượng P hấp thu trong rơm, hạt và năng suất lúa khi áp dụng bón giảm lượng phân P. Thí nghiệm được thực hiện qua 7 vụ liên tục trên đất trồng lúa 3 vụ ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Thí nghiệm được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 lặp lại. Các nghiệm thức bao gồm (1) không bón phân P, (2) bón 20 kg P2O5/ha, (3) bón 40 kg P2O5/ha, (4) bón 60 kg P2O5/ha. Mẫu đất được lấy vào vụ thứ 7 (vụ Đông Xuân 2013-2014) để đánh giá sự thay đổi về hàm lượng P dễ tiêu và khả năng hấp phụ P tối đa của đất. Hàm lượng P trong mẫu hạt và rơm cũng được phân tích, đồng thời ghi nhận các chỉ tiêu về thành phần năng suất và năng suất lúa. Kết quả nghiên cứu ghi nhận đất tại địa điểm nghiên cứu có khả năng hấp phụ P cao và có sự tích lũy P trong đất. Hàm lượng P dễ tiêu trong đất và hàm lượng P hấp thu trong rơm ở nghiệm thức không bón phân P qua 7 vụ liên tiếp (p < 0,05) mặc dù thấp khác biệt so với các nghiệm thức bón phân P, tuy nhiên hàm lượng P dễ tiêu trong đất vẫn ở ngưỡng đủ và năng suất lúa vẫn được duy trì. Bón giảm lượng phân P ở mức 20 và 40 kg P2O5/ha qua 7 vụ đã không ảnh hưởng đến hàm lượng P dễ tiêu trong đất, P hấp thu trong rơm, hạt và năng suất lúa so với mức bón 60 kg P2O5/ha.

Keywords