Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (Oct 2016)
Ảnh hưởng của loại hóa chất ngâm và điều kiện nảy mầm đến sự hình thành GABA của giống lúa IR50404 ở qui mô xưởng thực nghiệm
Abstract
Giống lúa IR50404 được xác định là một trong những giống lúa có triển vọng trong sản xuất gạo mầm. Để xác định ảnh hưởng của các yếu tố như hàm lượng acid glutamic, CaCl2 đến quá trình ngâm và nảy mầm ở qui mô xưởng thực nghiệm, gạo lứt của giống lúa trên được ngâm ở các nồng độ các chất acid glutamic, CaCl2 khác nhau từ 0-1% một cách độc lập ở pH tối ưu. Sau đó, chúng được đem đi ủ trong tủ ủ có năng suất tối đa 30 kg/mẻ ở các nhiệt độ tủ 36 – 38 oC, độ dày lớp hạt 0,3 - 0,9 cm, thời gian ủ 24 giờ. Kết quả cho thấy, điều kiện ngâm tối ưu của giống IR50404 khi bổ sung acid glutamic 0.6% là tốt nhất, hàm lượng GABA tăng từ 55,87 mg/kg chất khô khi ngâm pH 3 được tăng lên 141,94 mg/kg chất khô khi có bổ sung thêm acid glutamic 0,6% (tăng 2,54 lần). Khi điều kiện ủ tối ưu của giống IR50404 là 36 oC và độ dày 0,9 cm, hàm lượng GABA được sinh ra đến 269,23 mg/kg chất khô (tăng 1,9 lần so với hàm lượng GABA khi ngâm ở điều kiện chỉ có pH ngâm tối ưu). Khi ngâm với các nồng độ khác nhau của CaCl2, kết quả không có sự khác biệt ý nghĩa so với điều kiện không bổ sung. Kết quả đã chỉ ra rằng chỉ có acid glutamic có ảnh hưởng đến quá trình nảy mầm sinh GABA, còn CaCl2 thì không ảnh hưởng. Với thiết bị nảy mầm được thiết kế trong nghiên cứu này, nhiệt độ ủ tương tự như qui mô phòng thí nghiệm, tuy nhiên chiều dày của lớp hạt và không gian tủ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng nảy mầm sinh GABA của giống lúa trên.
Keywords