Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (Dec 2014)
KHẢO SÁT THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ HOẠT TÍNH SINH HỌC CỦA TINH DẦU NGẢI SẬY (ZINGIBER MONTANUM)
Abstract
Ba phương pháp trích ly tinh dầu từ củ Ngải sậy thu hái tại Bảy Núi, tỉnh An Giang đã được nghiên cứu bao gồm phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước trực tiếp (NSC-1), phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước gián tiếp (NSC-2) và phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước có sự hỗ trợ của vi sóng (NSC-3). Hiệu suất tinh dầu thu được trong hai phương pháp NSC-2 và NSC-3 là khá giống nhau (lần lượt là 1,439% và 1,423%) và cao hơn so với phương pháp NSC-1 (1,261%). Bên cạnh đó, tinh dầu thân và lá Ngải sậy cũng được trích ly bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước trực tiếp nhưng hiệu suất không đáng kể (tương ứng là 6x10-3% và 4,33x10-3%). Kết quả phân tích bằng phương pháp GC-MS cho thấy thành phần tinh dầu củ thu được trong cả ba phương pháp chủ yếu bao gồm 4-terpinenol (27 - 35%), sabinene (15 - 26%) và 1,4-bis (methoxy)-triquinacene (7 - 28%). Kết quả đánh giá hoạt tính sinh học cho thấy tinh dầu củ Ngải sậy thu được có hoạt tính kháng oxi hóa không đáng kể khi so với vitamin C nhưng tốt hơn tinh dầu Nghệ nhà và Long não; không có hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm trên các chủng vi sinh vật thử nghiệm nhưng thể hiện tốt hoạt tính gây độc trên 4 dòng tế bào ung thư: ung thư vú (MCF-7), ung thư vú đa kháng thuốc (MCF7/ADR), ung thư biểu mô tuyến (MDA-MB-231) và ung thư cổ tử cung (Hela).