Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (Nov 2014)
ĐÁNH GIÁ THÍCH NGHI ĐẤT ĐAI VÙNG ĐẤT PHÈN NHIỄM MẶN TỈNH HẬU GIANG
Abstract
Đất phèn có trở ngại lớn đối với canh tác nông nghiệp. Đặc biệt, tác động của xâm nhập mặn càng làm cho việc canh tác gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nông hộ và phát triển kinh tế bền vững. Nghiên cứu thực hiện tại vùng trũng phía Tây tỉnh Hậu Giang nhằm đánh giá tiềm năng thích nghi đất đai đối với các mô hình canh tác cho vùng chịu phèn, mặn mùa khô. Nghiên cứu đã thu mẫu đất, nước cho việc phân tích các chỉ tiêu phèn và mặn. Kết quả cho thấy, đất phèn trong vùng nghiên cứu chủ yếu xuất hiện ở tầng nông (0 - 50 cm); xâm nhiễm mặn của nước thay đổi tùy năm với độ mặn và thời gian mặn khác nhau, thời gian mặn dài nhất là 3 tháng. Kết quả đánh giá đất đai về mặt tự nhiên theo quy trình của FAO (1976) cho thấy khu vực nghiên cứu chia thành 5 vùng thích nghi và hầu hết thích nghi từ trung bình đến thấp do tác động của nước mặn và phèn. Kết quả nghiên cứu góp phần hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc xác định mô hình canh tác phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế trong điều kiện xâm nhập mặn.