Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (Jun 2015)
Hiệu quả kinh tế mô hình sản xuất lúa 1 phải 5 giảm của hai nhóm hộ trong và ngoài hợp tác xã ở Kiên Giang và An Giang
Abstract
Kỹ thuật một phải năm giảm (1P5G) trong canh tác lúa được công nhận là một tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, hiệu quả của việc ứng dụng và mở rộng kỹ thuật này thay đổi rất khác nhau và tùy thuộc vào nhiều yếu tố như quản lý nước, kỹ thuật canh tác, quản lý đồng ruộng. Trong số đó, hình thức tổ chức sản xuất là một yếu tố rất quan trọng tác động trực tiếp lên hiệu quả của kỹ thuật 1P5G. Bài viết này phân tích và so sánh hiệu quả kinh tế của nông dân sản xuất lúa 1P5G theo hai hình thức tổ chức sản xuất khác nhau, sản xuất riêng lẻ và sản xuất tập thể (HTX). Kết quả nghiên cứu cho thấy hình thức tổ chức sản xuất HTX giúp kỹ thuật 1P5G phát huy hiệu quả, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, hiệu quả của kỹ thuật này tùy thuộc vào những điều kiện canh tác khác nhau của mỗi địa phương. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở cho việc qui hoạch, phát triển và nhân rộng mô hình 1P5G nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa.