Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (Oct 2017)
Đánh giá tác động của xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu trên hiện trạng canh tác lúa tại tỉnh Sóc Trăng
Abstract
Sóc Trăng là một trong các tỉnh ven biển và có thế mạnh về sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến quá trình canh tác lúa tại tỉnh Sóc Trăng do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu theo dõi và đánh giá tác động của BĐKH do yếu tố mặn đến vùng canh tác lúa tại tỉnh Sóc Trăng theo 2 kịch bản BĐKH năm cơ sở 2004 và 2030. Nghiên cứu phân tích chuỗi ảnh chỉ số thực vật (NDVI) đa thời gian trên dữ liệu MODIS (MOD09Q1) độ phân giải không gian 250 m từ 31/07/2014 đến 31/07/2015 kết hợp với ảnh vệ tinh Landsat 8 nhằm xây dựng bản đồ hiện trạng mặt phủ từ đó xác định vùng cơ cấu canh tác lúa tỉnh Sóc Trăng. Kết quả phân tích ảnh viễn thám đã xác định được vùng canh tác lúa bao gồm 3 cơ cấu chính: lúa 3 vụ (99.182,2 ha chiếm 30,3% tổng diện tích tự nhiên), lúa 2 vụ (69.484,2 ha chiếm 21,2%) và lúa-tôm (69.484,2 ha chiếm 4,3%) với độ tin cậy cao (chỉ số Kappa = 0,78) dựa trên 100 điểm khảo sát thực tế. Diện tích canh tác lúa bị ảnh hưởng theo 2 kịch bản BĐKH năm cơ sở 2004 và năm 2030 phân bố chủ yếu trên 3 huyện gồm huyện Mỹ Xuyên, Long Phú và Trần Đề. Diện tích đất canh tác bị ảnh hưởng giữa năm cơ sở 2004 và năm 2030 theo đơn vị hành chính cho thấy diện tích canh tác lúa-tôm bị ảnh hưởng tại huyện Mỹ Xuyên tăng khoảng 14,7 ha, diện tích lúa 2 vụ bị tác động tại huyện Trần Đề với giảm khoảng 155,5 ha và diện tích lúa 3 vụ bị ảnh hưởng mặn tại huyện Long Phú giảm khoảng 35,5 ha.
Keywords