Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (Oct 2016)
Hiệu quả phòng trị của xạ khuẩn đối với bệnh thán thư trên cây ớt do nấm Colletotrichum sp.
Abstract
Nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm và nhà lưới thuộc Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Trường Đại học Cần Thơ nhằm mục tiêu tìm ra các chủng xạ khuẩn có khả năng quản lý bệnh thán thư trên ớt do nấm Colletotrichum sp. gây ra. Kết quả đã phân lập được 100 chủng xạ khuẩn từ đất trồng ớt ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đánh giá sơ khởi, nghiên cứu chọn được 20 chủng nấm có khả năng đối kháng cao với nấm Colletotrichum sp. gây bệnh thán thư trên ớt. Khả năng đối kháng của 20 chủng xạ khuẩn đối với nấm Colletotrichum sp. được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm với 5 lần lặp lại. Kết quả cho thấy, 3 chủng xạ khuẩn CT10, VL17 và HG03 luôn thể hiện sự đối kháng cao với nấm Colletotrichum sp. qua các thời điểm khảo sát với bán kính vòng vô khuẩn lần lượt là 13,7 mm; 12,3 mm, 13,5 mm và hiệu suất đối kháng lần lượt là 49,82%; 44,73% và 49,09% ở thời điểm 9 ngày sau khi cấy (NSKC). Hiệu quả phòng trị bệnh thán thư trên ớt của 3 chủng xạ khuẩn CT10, VL17 và HG03 được thực hiện trong điều kiện nhà lưới với 5 lần lặp lại. Kết quả cho thấy, cả 3 chủng xạ khuẩn thí nghiệm đều có khả năng phòng trị bệnh thán thư trên ớt, trong đó chủng HG03 ở thời điểm kết hợp phun 2 ngày trước và 2 ngày sau lây bệnh nhân tạo cho hiệu quả phòng trị bệnh cao tương đương nghiệm thức thuốc hóa học Carmanthai 800WP (Carbendazim) thông qua đường kính vết bệnh thấp là 9,12 mm và hiệu quả giảm bệnh cao là 63,17% ở thời điểm 9 ngày sau khi lây bệnh nhân tạo.
Keywords